Vĩnh Dạ
Phan_54
An Bá Bình như kẻ tàn phế, bất lực ngồi sõng soài trong ghế. Nghe Phong Dương Hề nói thế, mắt sáng lên, lắc đầu nói:
- An gia khác những nhà khác. Cho dù Bá Bình chết thì việc làm ăn sẽ do hội trưởng lão của gia tộc cùng kinh doanh. Tam đệ xuất phủ học nghệ thì chắc chắn sẽ không thể làm chủ sự của An gia. Trong An gia, bất cứ người nào hiểu chuyện kinh doanh đều có thể trở thành chủ sự, chỉ có nó là không được. Thế nên tôi chưa từng nghĩ rằng tam đệ lại muốn giết tôi.
- Không phải cầu tài, thì là hận tôi thôi. – Vĩnh Dạ không hiểu nàng chỉ bắt Mặc Ngọc đứng ở Mẫu Đơn Viện một ngày, vì sao hắn lại hận tới mức muốn nàng phải chết như thế. Mỗi khi nhìn thấy Mặc Ngọc, nàng đều đọc được một nỗi hận mãnh liệt trong mắt hắn.
Từ chùa Khai Bảo tới Mẫu Đơn Viện, hận ý của Mặc Ngọc chưa bao giờ che giấu.
Đánh rắn động cỏ, Mặc Ngọc không giết được nàng, chắc chắn sẽ ẩn thân kỹ càng. Giống như Nguyệt Phách và Tường Vi đã biến mất, như cây kim dưới biển, không thấy bóng dáng.
- Tôi muốn theo đại công tử tới An gia sống một thời gian. – Vĩnh Dạ thong thả nói, trực giác mách bảo nàng rằng, Mặc Ngọc vẫn còn ở Thánh Kinh, nói không chừng còn đang trốn ở An phủ.
Ở độ tuổi của Mặc Ngọc, võ nghệ không cao không thấp. Nếu không có tiền tài của An gia giúp đỡ, hắn dựa vào cái gì mà có được địa vị ấy ở Du Li Cốc? Chỉ có một khả năng, hắn và một người nào đó trong An phủ có quan hệ mật thiết. Mà mối quan hệ này, đại ca của hắn, An Bá Bình cũng không biết.
An Bá Bình bất an nhìn Vĩnh Dạ, nói khẽ:
- Công chúa, An gia…
- Đại công tử an tâm, nếu An gia không liên quan gì tới việc này, tôi sẽ không làm gì An gia đâu. – Vĩnh Dạ cười cười.
Phong Dương Hề cau mày:
- Không được.
- Vì sao?
Phong Dương Hề nhìn An Bá Bình chăm chú:
-Chắc chắn An gia còn rất nhiều nơi mà ngay cả đại công tử cũng không được phép đến, đúng không?
An Bá Bình cúi thấp đầu:
- Trong giang hồ có rất nhiều người tới An gia, nhân tiện làm hộ viện giống như Bình thúc. Có điều chỉ cần không gây bất lợi cho An gia thì họ sẽ không ra tay. Bá Bình sẽ đảm bảo Công chúa được bình an.
Vĩnh Dạ chỉ có một manh mối này, làm gì có chuyện từ bỏ? Nhân lúc Phong Dương Hề chưa kịp lắc đầu, nàng nói:
- Cứ quyết định thế nhé, tôi là người làm tranh mà đại công tử mời về nhà, vẫn tên là Lý Lâm.
Tiếng côn trùng đêm kêu rỉ rả, vầng trăng treo trên đầm sen.
Phong Dương Hề và Vĩnh Dạ lặng lẽ ngồi bên bờ hồ.
Nàng không ngồi cạnh hắn, một mình ngồi cách xa, nhìn đầm sen không nói.
Phong Dương Hề đang uống rượu, từng bát từng bát, Vĩnh Dạ không lên tiếng, hắn cũng không muốn nói chuyện.
Chẳng ai ngờ quay về biệt uyển lại xảy ra chuyện này.
- Nàng tới An gia rồi sẽ biết vì sao ta lại không muốn cho nàng đi. – Cuối cùng Phong Dương Hề cũng lên tiếng.
Vĩnh Dạ quay đầu, cười nhạt:
-Bước vào cửa mới biết sâu như biển, chắc lần này huynh không thể ở bên cạnh tôi, huynh không thể theo tôi vào.
- Thế vì sao nàng còn đi?
Vĩnh Dạ đưa ánh mắt phức tạp nhìn hắn, hồi lâu mới nói:
- Huynh thực sự không muốn tôi đi sao? – Nàng chuyển sang vui vẻ, cố đè nén nỗi bi ai trong lòng. – Tôi không thể không đi, còn huynh, muốn tôi không đi, lại rất hi vọng tôi sẽ đi, đúng không?
Lời nàng như một ngọn roi quất lên người Phong Dương Hề, khiến bàn tay hắn thoáng run, rượu tràn ra ngoài. Hắn uống cạn ly rượu, đứng lên lạnh lùng nói:
- Nếu nàng thực sự nghĩ thế thì ta không ngăn nàng nữa.
- Ha ha… - Vĩnh Dạ bật cười, cười ra nước mắt.
Phong Dương Hề siết chặt tay, trán nổi gân xanh, hắn có thể nghe thấy tiếng mạch máu đang chảy rần rật trong huyết quản. Hắn cố gắng kiềm chế bản thân, chậm rãi nói:
- Nàng có lý do không thể không đi, ta cũng có lý do muốn nàng đi, nhưng tuyệt đối không như nàng nghĩ! – Nói xong hắn không nhìn Vĩnh Dạ nữa, rảo bước bỏ đi.
Hắn muốn quay đầu lại bảo nàng phải cẩn thận, nhưng Vĩnh Dạ vẫn đang cười, tiếng cười ấy đâm sâu vào tim hắn.
An gia không chỉ là gia đình giàu có nhất Tề Quốc, mà còn là thiên hạ đệ nhất thương gia.
Có người nói, vào Hoàng cung mới biết thế nào gọi là sâu như biển, vào An gia rồi mới biết thế nào gọi là đại phú quý.
Từng có người nói đứng ở kiến trúc hùng vĩ nhất Hoàng cung Tề quốc – Thiên Cơ Các để cúi đầu ngắm nhìn Thánh Kinh, miếu đường cao xa, trang nghiêm, sừng sững.
Cũng có người nói làm thuê ba năm ở phủ đệ của An gia vẫn chưa biết được toàn bộ diện mạo của phủ đệ này.
Thu Thuỷ sơn trang của Trần Thu Thuỷ được xây bên bờ hồ Lạc Nhật phong cảnh như tranh, người Thánh Kinh lại nói hồ Ánh Nguyệt trong đại trạch của An gia còn đẹp hơn hồ Lạc Nhật tới mười lần.
Sau khi An gia quyên tiền cho Tề quốc đóng chiến thuyền, Hoàng thượng bèn hạ lệnh thưởng biệt uyển Hoàng gia, Ánh Nguyệt hồ nằm gần An gia cho họ. An gia bèn đập thông tường nhà, khu vườn đẹp nhất của Hoàng Gia từ đó trở thành một phần của An gia.
Bước vào cổng phủ cao lớn, đi khoảng một tầm tên bắn, Vĩnh Dạ phát hiện tường viện vốn được phân thành hai tầng trong ngoài, tầng ngoài đều có đặt các lầu canh, có hộ viện đi tuần. Giữa tầng trong và tầng ngoài là khu sinh sống của các nô bộc trong nhà.
Vào tới nội viện, trước mắt là một màu xanh ngắt. Từng nếp nhà trập trùng như cung điện ẩn hiện ở giữa, trong rừng có noãn thạch, đường mòn hoặc là những hành lang dài nối tiếp. Dọc đường không nhìn thấy hộ viện, nhưng vừa lên tiếng là lập tức có người chạy tới thỉnh an. Các tiểu tư, thị nữ đều nhã nhặn lễ độ, đi đường nhìn thẳng. Vĩnh Dạ thầm kinh ngạc, An gia trị gia nghiêm ngặt như đại nội Hoàng cung.
Như trước đây đã thoả thuận, An Bá Bình mời Vĩnh Dạ tới vẽ lại bức “Quan m Đồ” của Triệu Tử Cố, một hoạ sư bậc thầy đã qua đời, mà bức tượng Quan m do chính tay Triệu Tử Cố điêu khắc lại nằm trong Phật đường của An phủ. Thế nên Vĩnh Dạ để tìm kiếm hoạ ý, bèn vào An phủ thăm quan.
Đi suốt hai khắc đồng hồ mới tới được một toà viện tử. Nói là Phật đường, nhưng Vĩnh Dạ cảm thấy nó giống một toà tự viện. Trong không khí vương vấn làn khói xanh của hương trầm, lại còn nhìn thấy cả hoà thượng.
An Bá Bình nói khẽ:
- Gia mẫu lễ Phật, xin cho tôi vào thông báo một tiếng.
Vĩnh Dạ tặc lưỡi, thích lễ Phật thì xây trong nhà một toà miếu, ngân lượng của An gia thật là nhiều. Nàng đứng ngoài Phật đường, bốn bề an tĩnh, ngay đến tiếng ve kêu cũng không nghe thấy. Tháng Tám trời nóng bức mà không có tiếng ve? Nàng ngạc nhiên nhìn ngó xung quanh, thấy trên các cây ở quanh Phật đường có treo mấy cái túi thơm. Chẳng lẽ dùng để đuổi ve sao? An gia mời ở đâu được một cao thủ chế thuốc như thế nhỉ?
- Lý công tử, mời! – An Bá Bình ra khỏi Phật đường, cười nói.
Vĩnh Dạ bước vào Phật đường, ngửi thấy một mùi thơm kì lạ, hương thơm rất nồng bao phủ toàn bộ Phật đường. Định thần lại nhìn, thấy một bức tượng Phật bằng gỗ cao tới một trượng, màu nâu vàng, không phải là trầm hương thì là gì? Một miếng trầm hương đã đổi được một miếng vàng có thể tích tương đương, trầm hương thường nhỏ, dùng làm hương liệu, tượng Phật này cao tới một trượng, hơn nữa với tay nghề điêu khắc tinh xảo của Triệu đại sư thì không biết đáng giá bao nhiêu tiền? Nàng chớp mắt, nhớ lại những ngày cùng Nguyệt Phách đếm từng xu để đi mua gạo. Sớm biết thế đến An gia Phật đường chặt một tay Phật mang bán cũng đủ để họ ăn cả đời. Cho dù không bán không cầm, mang đi hun thịt heo cũng được, nói không chừng con heo đó không chỉ đổi được có mấy lạng gạo và một miếng thịt. Nếu khi đó không rầu rĩ vì tiền ăn, nàng đã không phải mang cầm miếng ấn thạch điền hoàng, không vì muốn báo thù Đại Xương Hiệu trả giá thấp mà làm tranh giả, như thế thì những việc sau này liệu có xảy ra không? Tường Vi liệu có xuất hiện không? Nàng và Nguyệt Phách liệu có thể tiếp tục ung dung ngồi uống cháo ở sân, nhìn trăng ngắm sao không?
- Lý công tử, đây là gia mẫu.
Vĩnh Dạ sực tỉnh lại từ những tưởng tượng ban nãy, thấy bên cạnh bức tượng là một lão phu nhân. Mái tóc bạc trắng, áo vải màu nâu, tay cầm một tràng hạt bằng gỗ trầm, trông thần thái có vẻ bình thản, như thể con người đã hoà vào không trung cùng với hương trầm, ngũ quan đoan chính, khi còn trẻ chắc chắc là một mỹ nhân.
Bên cạnh lão phu nhân có một thị nữ, sắc mặt lạnh lùng, liếc Vĩnh Dạ một cái, ánh mắt như thể đang nhìn một con kiến vừa bị giẫm dưới chân mình.
Vĩnh Dạ vội vàng hành lễ, gặp loại nữ nhân như thế này, nàng thường không có cảm tình.
Lão phu nhân mở mắt ra, từ tốn nói:
- Đã là người vẽ Quan m thì trong lòng tất cũng có Phật, chắc là người từ bi, đi đi.
Vĩnh Dạ nghe lời, với nhãn lực của nàng, không biết vì sao cứ cảm thấy lão phu nhân này rất quen. Không nhịn được bèn liếc nhìn vài cái, giật mình bởi ánh mắt thăm dò của lão phu nhân. Nàng vội vàng ngoan ngoãn nghiêm túc ngắm nghía bức tượng Quan m trong Phật đường. Sau một tuần hương, nàng nghe thấy lão phu nhân chậm rãi mở miệng:
- Lý công tử đã ngắm tượng Quan m rất lâu, có cảm nhận gì?
- Hồi lão phu nhân, bức Quan m liên đài này đặt chân lên đài sen, bảo tượng đoan trang, sống động như thật, hiếm có nhất là các đường nét đều tròn trịa, thông suốt, thần thái từ bi. Thủ pháp điêu khắc vô cùng tinh diệu, y phục bay bổng như thật, gỗ trầm hương để làm cũng là loại khó tìm, Triệu đại gia đã không để lãng phí nó. Hơn nữa gỗ trầm rất khó điêu khắc, cũng chỉ có Triệu đại gia là thánh thủ nên mới có tài nghệ phi phàm, khiến tại hạ mở rộng tầm mắt. – Vĩnh Dạ không biết lão phu nhân muốn kiểm tra mình hay chỉ là buột miệng hỏi vậy, nghiêm túc trả lời.
Lão phu nhân lạnh nhạt nói:
- Lý công tử đúng là có học vấn, nhãn lực của Bá Bình khá lắm, đi đi.
Vĩnh Dạ cung kính hành lễ, lui ra khỏi Phật đường.
Khi hành lễ cáo từ bà, cảm giác quen thuộc ấy lại xuất hiện. Vĩnh Dạ nghĩ ngợi trong lòng rất lâu, vẫn không nghĩ ra là gặp vị lão phu nhân này ở nơi nào.
Ra khỏi Phật đường, bước chân lên đường mòn giữa rừng, An Bá Bình mới nói nhỏ:
- Công… công tử đúng là chân tài thực học, Bá Bình sợ toát cả mồ hôi.
Vĩnh Dạ tĩnh tâm để ý xung quanh, thấy không có người mới nói:
- Hoá ra lão phu nhân muốn kiểm tra tôi. Thứ cho tại hạ mạo muội, lão phu nhân có phải thân sinh mẫu thân của đại công tử không?
An Bá Bình lắc đầu:
- Mẫu thân tôi là tiểu thiếp của phụ thân, đã qua đời từ lâu. Bà là chính thất của phụ thân, là mẹ của tam đệ. Phụ thân qua đời sớm, khi đó Bá Bình đang ở ngoài lo liệu chuyện làm ăn, không ở bên cạnh người được. Đầu năm lão thái gia cũng qua đời, Bá Bình mới gánh vác việc chính của An gia.
- Ồ, lão phu nhân là người ở đâu?
- Quê ngoại của mẫu thân hình như là một trấn tên là Phúc Bảo, ở trong núi. Tề quốc nhiều núi, là ngọn núi nào thì Bá Bình cũng không rõ.
Vĩnh Dạ nhìn viện tử của An gia, cảm thấy nơi này đẹp thì đẹp thật, nhưng yên tĩnh tới đáng sợ, hệt như một nấm mồ. Sống trong một đại gia tộc như thế này có lẽ cũng chẳng dễ dàng.
Tối hôm đó nàng được sắp xếp vào một khách phòng trong nội viện. An Bá Bình nói với mọi người rằng nàng cần phải quan sát tượng Phật nhiều ngày mới có thể làm tranh được. Bên ngoài khách phòng Vĩnh Dạ dặn không cần thêm quá nhiều nhân thủ, cứ như thường ngày là được.
Nàng khổ sở suy nghĩ, rốt cuộc là đã gặp lão phu nhân đó ở đâu? Khách phòng rộng rãi, ngoài là sảnh, trong là phòng ngủ. Bên ngoài làm thư phòng, để tiện cho nàng vẽ tranh nên nguyên vật liệu đã đầy đủ. Vĩnh Dạ tiện tay cầm bút vẽ gương mặt của lão phu nhân, nhìn đi nhìn lại, sửa đi sửa lại, gương mặt bà đã biến thành một gương mặt khác, hai người giống nhau tới bảy phần.
Bàn tay cầm bút của Vĩnh Dạ run rẩy không thể kiềm chế. Lát sau nàng tiện tay vẽ thêm một bức tượng Quan m, trên mặt dần dần nở nụ cười. Nàng hít sâu một hơi, đặt hai bức tranh vào ngọ nến đốt đi. Lúc này nàng nghe thấy ngoài cửa có động tĩnh. Vĩnh Dạ thổi tắt nến, thân hình búng nhẹ, bay vọt ra cửa sổ.
Trên nóc nhà cách đó không xa có một bóng đen lướt qua.
Nàng sợ phải sống một cách yên ổn ở An gia mà không có động tĩnh gì. Nhìn thấy bóng đen đó, Vĩnh Dạ đâu chịu bỏ qua, thi triển khinh công tới mức tối đa, cách bóng đen càng lúc càng gần.
Hình như biết là nàng đang đuổi theo, bóng đen từ nóc nhà nhảy xuống một cái sân.
Vĩnh Dạ không hề do dự, đuổi theo.
Trước mắt bỗng sáng bừng lên, một mặt hồ màu bạc xuất hiện trước mắt, hắc y nhân đã đứng giữa con thuyền nhỏ.
Hắn nhìn nàng, chậm rãi lên tiếng:
- Không ai ngờ được rằng khinh công của ngươi còn giỏi hơn cả Thanh y nhân. Giấu giỏi lắm.
Vĩnh Dạ nhún vai, mỉm cười:
- Mặc Ngọc xông tử, ồ, An gia tam công tử, ngưỡng mộ, ngưỡng mộ!
Mặc Ngọc không mặc y phục dạ hành chật chội, chiếc áo dài màu lục sẫm, lưng đeo thắt lưng ngọc, khí độ hoàn toàn khác lúc ở Mẫu Đơn Viện, đường hoàng là một phong lưu quý công tử. Chỉ có đôi mắt ấy là vẫn chứa đầy sự đố kị, hận thù và bi phẫn, hằn học nhìn nàng.
- Ngươi biết rõ rằng ta dụ ngươi ra đây, vì sao vẫn còn mắc bẫy? Ở đây, ngươi tưởng Phong Dương Hề còn có thể cứu ngươi lần nữa sao?
- Khinh công của ta rất ổn, độ chuẩn của ám khí cũng không tệ, Mặc Ngọc công tử chỉ cách ta hơn một trượng, ngươi không sợ chết sao? – Vĩnh Dạ cười cười. – Hơn nữa, cao thủ của An gia không ít, Mặc Ngọc công tử hiển nhiên là đã nói chuyện với họ rồi, không có ai đến làm phiền nên dọc đường mới thuận lợi như thế; nhưng còn có một tác dụng nữa là không ai tới cứu ngươi.
Mặc Ngọc hừ một tiếng:
- Nói đúng rồi, ta dụ ngươi ra đây là vì nơi này yên tĩnh, ta không tin ta không giết nổi ngươi!
- Vĩnh Dạ rất muốn biết vì sao Mặc Ngọc công tử lại hận ta đến vậy? Người ta nhìn thấy mỹ nhân đều thương hoa tiếc ngọc, chẳng ai nỡ đụng tới một đầu ngón tay. – Vĩnh Dạ giơ đầu ngón tay ra minh hoạ.
Nàng nghi hoặc nghiêng đầu, rồi làm ra vẻ bừng tỉnh:
- Ta hiểu rồi, Mặc Ngọc công tử ở Mẫu Đơn Viện lâu quá nên không có hứng thú với nữ nhân nữa, thích nam nhân! Có điều tại hạ luôn xuất hiện trong trang phục nam nhân, ngay cả Phế Thái tử Lý Thiên Thuỵ của An quốc cũng khen ngợi Vĩnh Dạ, nếu vào Mẫu Đơn Viện làm tiểu quan, thì người nổi nhất không phải là Mặc Ngọc công tử nữa rồi. Một mỹ nhân nam nữ đều thích như ta là thiên hạ vô song, Mặc Ngọc công tử vì sao cứ muốn giết Vĩnh Dạ vậy?
Nàng bắn liên thanh một tràng, khiến lửa giận trong mắt Mặc Ngọc càng cháy lên hừng hực. Hắn nghiến răng nói:
- Chờ ta bắt được ngươi, ta sẽ rạch nát mặt ngươi, cắt gân tay gân chân của ngươi, để ngươi không dùng được khinh công, không tung được ám khí, xem còn ai thương hoa tiếc ngọc với ngươi nữa không!
Tiếng gió nổi lên, một đạo ngân quang ném thẳng vào mặt Mặc Ngọc, hắn giật mình nghiêng mặt đi, mái tóc bị cắt một ít, trên má xuất hiện một vết đao nhẹ, một vệt máu nhỏ chảy từ má xuống.
- Tam công tử, không sao đâu, dù sao ngươi cũng không cần dựa vào Mẫu Đơn Viện để kiếm cơm nữa, nam nhân mà, xấu một chút cũng không sao. Những nam nhân tốt với ngươi không chỉ coi trọng mặt của ngươi, mà còn cả thắt lưng và cái đùi kia nữa! Ta quyết không tới Mẫu Đơn Viện giành miếng cơm với ngươi đâu. – Vĩnh Dạ độc địa nói.
Mặc Ngọc nghiến răng nhìn nàng, quát to một tiếng, rút thanh nhuyễn kiếm từ thắt lưng ra, vũ động như con rắn, đâm vào cổ họng của Vĩnh Dạ.
Vĩnh Dạ đột ngột tung người bay lên. Đó là khinh công tuyệt đỉnh, cứ như thể ở phía trên đã buộc sợi dây kéo thẳng nàng lên. Chưa cần nghỉ ngơi, Vĩnh Dạ đã lăng không lật người, ánh sáng như trăng của phi đao bắn về phía Mặc Ngọc. Nàng nghĩ, hắn tuyệt đối không thể tránh được đao này.
Thanh đao trúng tay Mặc Ngọc, kiếm của hắn rơi xuống thuyền, một mảnh ám khí trúng vào người, hắn run rẩy ngã nhào từ trên thuyền xuống nước. Vĩnh Dạ cũng nhảy xuống theo, nhưng vừa mới xuống, nàng đã hối hận.
Một tấm lưới trong suốt vây lấy nàng. Trong nước, Vĩnh Dạ không thể nào thi triển khinh công, lùi về phía sau, lại không kịp tránh tấm lưới. Gương mặt hung ác của Mặc Ngọc xuất hiện phía trước Vĩnh Dạ. Phi đao của nàng trúng vào người hắn mà dường như hắn vẫn không hề hấn gì.
Vĩnh Dạ chợt hiểu, phi đao không xuyên nổi vào hộ giáp, Mặc Ngọc đã chuẩn bị rồi mới tới. Nàng cố gắng dùng đao để cứa rách lưới tơ bạc, nhưng vô dụng. Vĩnh Dạ bỏ cuộc, càng quẫy đạp thì tấm lưới càng thít chặt, nàng không thể cựa quậy nổi nữa.
Mặc Ngọc không dám lại gần nàng, chỉ thu chặt tấm lưới, trừng mắt nhìn nàng. Vĩnh Dạ không bơi được, chỉ đành ngừng hô hấp, thận trọng kiểm soát hơi thở. Mặc Ngọc không thể nào thở trong nước, rồi có lúc hắn phải ngoi lên mặt nước.
Thiên Mạch Nội Kinh lưu chuyển trong thân thể, Vĩnh Dạ và Mặc Ngọc đối mặt nhìn nhau. Võ công của nàng cao hơn hắn, khoảnh khắc hắn ngoi lên để thở, nàng sẽ giết hắn rồi mở lưới.
Lúc này, nàng thấy Mặc Ngọc rút một cái ống từ trong ngực ra, một đầu ngậm trong miệng, một đầu nhô lên khỏi mặt nước.
Vĩnh Dạ thầm kêu chết rồi, cố gắng giằng mạnh, ôm cả tấm lưới bơi về phía Mặc Ngọc, phi đao của nàng ngắm vào đầu và tay hắn, nhưng uy lực của phi đao ở trong nước bị giảm mạnh, tấm lưới trên người càng lúc càng chặt, gần như không thể nào phát ra ám khí. Cảm giác tức thở như khiến lồng ngực nàng nổ tung, nàng không thể xông ra khỏi mặt nước, Mặc Ngọc thì cứ ở bên dưới kéo tấm lưới. Vĩnh Dạ giãy giụa theo phản xạ, chân tay dần dần vô lực, Mặc Ngọc bơi lên khỏi mặt nước, kéo nàng lên, đồng thời kích mạnh một chưởng. Bóng tối ập về phía nàng, nàng nhớ tới Phong Dương Hề, lần này, hắn quả thực không ở cạnh nàng.
Chương 44: Tượng Phật Rơi Lệ
- Thì hắn thông minh mà, tìm được họa tượng mà tôi vẽ, đôi mắt của vị Bồ Tát đó không bình thường, con chó săn Mặc Ngọc lúc tôi vào Phật đường đã trốn trong bức tượng Phật để nhìn tôi, hừ!
Vĩnh Dạ ở An gia được một đêm đã mất tích.
Giờ Thìn, An Bá Bình tới khách phòng mời Vĩnh Dạ ăn bữa sáng, mặt xám ngoét như tro.
Vĩnh Dạ mất tích ở dịch quán là vì nàng tự bỏ đi. Hiển nhiên, lần này không phải.
Không ai có thể gánh vác được trách nhiệm này, An Bá Bình không dám, Phong Dương Hề cũng không thể.
An gia đại tiểu thư, chủ nhân của Hoa Thanh Cung, Hoa quý phi khóc lóc tới ngất đi trước mặt Hoàng đế cũng không thể chống lại một tờ Thánh chỉ.
Thái tử Yến thống lĩnh Đông cung Long Vũ Soái, Thần Vũ Soái chưa đầy một canh giờ sau đã bao vây An phủ.
Thái tử Yến liếc nhìn bức tường cao lớn ngoài An phủ lắc đầu, nói với Phong Dương Hề:
- Hai đạo binh sĩ của Đông cung có một nghìn người, ta thấy nếu An gia cố tình kháng chỉ, thì cũng tổn thất ít nhất trên năm trăm người.
Phong Dương Hề lạnh lùng không đáp.
Lát sau, cổng An phủ mở rộng, cổng dẫn ra nội viện cũng mở rộng, hàng trăm thị tùng khiêng thảm ra trải từ hậu viện tới cửa chính.
Trận thế này khiến Phong Dương Hề cười khổ, như thế này đâu giống tiếp chỉ? Như thể họ đang vào phủ để thăm hỏi vậy.
Sau khi cổng chính mở ra, An lão phu nhân dẫn đầu đoàn người của An gia đi ra. Bốn trăm người đứng kín ở cổng chính An phủ, sắp xếp chỉnh tề theo thứ tự già trẻ lớn bé.
- Lão thân đưa toàn gia An phủ quỳ đón Thái tử! – Giọng bà sang sảng, trong ngoài An phủ yên tĩnh tới độ không nghe thấy bất cứ âm thanh gì.
Phong Dương Hề ôm kiếm đứng một bên như xem náo nhiệt. Thái tử Yến nhăn nhó mặt mày, ho hai tiếng rồi mở Thánh chỉ ra, đại ý là Vĩnh An công chúa mất tích ở An gia, phụng chỉ kiểm tra toàn bộ.
Lão phu nhân thong thả tiếp chỉ tạ ơn, không hề tỏ ra hốt hoảng.
Một canh giờ, những khoảng đất trống bên ngoài An phủ đều được dựng một túp lều. Lão phu nhân cho chuyển ghế thái sư ra ngồi. Các phủ của An gia cần xử lý chuyện làm ăn vẫn tiếp tục làm việc, các thị nữ tiểu tư xếp hàng lĩnh bài tử, mấy trăm chiếc chậu đồng dựng băng đá khổng lồ được đặt bên ngoài, mấy chục cái lò lớn nổi lửa đun trà, chuẩn bị bữa trưa.
Vô cùng trật tự.
Binh sĩ của Long Vũ Soái, Thần Vũ Soái đều là con nhà thế gia, đã nhìn quen cảnh phô trương mà giờ cũng phải tặc lưỡi thán phục. Thái tử Yến cười khổ lắc đầu, nói với Phong Dương Hề và Thiên tổng chấp quản lưỡng soái:
- Phiền Phong đại hiệp dẫn hai vị Thiên tổng vào nội phủ kiểm tra, ta đi uống trà với lão phu nhân, thăm dò tin tức.
Chàng mỉm cười rạng rỡ bước vào lều của lão phu nhân, cười nói:
- Lão phu nhân trị gia như trị quân, ta rất khâm phục. Nếu người không chê thì ta xin ngụm trà uống được không?
Lão phu nhân cười bình thản:
- Dâng trà cho điện hạ.
Uống trà ngon, sau lưng còn có thị nữ xinh đẹp quạt cho, hơi lạnh từ những chậu băng đá tan chảy theo cánh quạt ập tới, Thái tử Yến lại muốn thở dài.
- Nghe nói điện hạ khi ở Trần quốc đã nhất kiến chung tình với Vĩnh An công chúa của An quốc, có thể kể nghe không?
Ngụm trà vừa vào miệng Thái tử Yến suýt thì phun ra ngoài, gương mặt thanh tú đỏ bừng, nhẹ giọng đáp:
- Công chúa không như người thường, ta rất yêu nàng, như châu như ngọc. Nàng vô cùng tinh nghịch, thích mô phỏng tác phẩm của các danh gia để trêu chọc người khác, được đại công tử mời vào An phủ làm tranh, không ngờ lại còn có thể mất tích ở An phủ. Ta lo lắng cho sự an toàn của nàng, đêm qua sai người bảo vệ xung quang An phủ. Ở An phủ không có người nào đáng nghi ra vào, thế nên mới xin chỉ điều tra trong phủ.
Lão phu nhân ra vẻ trầm tư:
- Nghe nói sức khỏe của Công chúa không tốt, từ nhỏ đã được nuôi dưỡng như nam nhi, mười tám tuổi mới khôi phục lại thân phận quận chúa, trước khi được gả sang An quốc mới phong thành Vĩnh An công chúa. Thật đáng tiếc, lão thân chưa được chứng kiến dung nhan thật của nàng.
Thái tử Yến nhớ tới phong nghi của Vĩnh Dạ, nét mặt mơ màng:
- Lạc Vũ thua nàng về khí khái, An tứ thua nàng vẻ yêu mị, Ngọc Tụ thua nàng vẻ tú lệ, Tường Vi quận chúa thì ta chưa gặp.
Lúc này lão phu nhân mới tỏ vẻ rúng động, tràng hạt vẫn xoay trong tay giờ mới dừng lại, thở dài 1 tiếng:
- Thì ra là thế, vẻ đẹp ấy rất giống Đoan Vương phi sao?
- Hơn Vương Phi ở sự khí khái, điểm này thì rất giống Đoan Vương.
Bàn tay lần tràng hạt của lão phu nhân dừng lại, rất lâu sau mới lại thở dài. Không biết là đang tưởng tượng đến dung mạo của Vĩnh Dạ, hay là đang lo lắng cho tương lai của An gia.
Thái tử Yến vốn ôn hoà, tâm tư cẩn mật, thấy bà lộ vẻ lo lắng thì an ủi:
- Chỉ là điều tra thôi, lão phu nhân đừng lo. An gia trung thành, Hoàng thượng tất sẽ minh xét. Hoàng thượng vốn rất sủng ái Quý phi nương nương, không bỏ mặc đâu.
Lão phu nhân bê tách trà lên, gạt lá trà đi, uống một ngụm rồi noi:
- Lão thân đã quyết định rồi, việc này kết thúc sẽ phân An gia.
Thái tử Yến giật mình:
- An gia giàu có, vì sao phải phân gia?
Lão phu nhân thở dài:
- Cây to thì gió lớn. An phủ quá lớn, Bá Bình còn trẻ, lão thân nay đã cao tuổi, không lo được sản nghiệp khổng lồ này. Cây lớn còn có cành khô, Công chúa đã mất tích trong nội viện, sau này không chừng còn xảy ra chuyện gì đó. Các phủ các viện tách nhau ra sống, tốt hay xấu thì phải xem vận số của từng người.
Bà nhìn các binh sĩ đi vào trong phủ, đột nhiên thở dài, nói với Thái tử Yến:
- Thái tử uống với lão thân một tách trà, lão thân xin nhờ Thái tử một việc. Lão thân lễ Phật, Phật đường không thể cho quá nhiều binh sĩ đi vào, làm phiền tới Bồ Tát thì không hay.
Thái tử Yến cười nói:
- Ta sẽ dặn dò bọn họ, lão phu nhân đừng lo.
Chàng gọi một binh sĩ tới ra lệnh không được phá hoại Phật đường, rồi lại thong thả ngồi uống trà.
Phong Dương Hề đứng trong khách phòng của Vĩnh Dạ, nơi này rất sạch sẽ, không có dấu vết cho thấy nàng đã ngủ ở đây. An Bá Bình đứng cạnh hắn, lo lắng nói:
- Nơi này chắc chắn chưa hề đụng tới. Sớm nay khi tôi tới gọi Công chúa, phát hiện trong phòng không có người rồi mới đi báo tin. Tôi đã hạ lệnh không cho bất cứ ai đi vào.
Phong Dương Hề lặng lẽ đứng nghe, nhãn thần sắc lạnh nay thêm vài phần lo lắng:
- Khi Vĩnh Dạ vào đây, văn phòng tứ bảo ở nơi này có bị động đến không?
- Không hề.
Mắt hắn sáng lên, lại gần đài nến, nến đã tắt, trên đó còn dính tro giấy. Vĩnh Dạ đã vẽ cái gì đó rồi lại đốt đi? Không người bước vào, tro giấy nàng đốt quá ít, thứ chưa cháy hết liệu Vĩnh Dạ có mang theo bên người không? Phong Dương Hề đi qua đi lại trong phòng, ánh mắt sắc bén nhìn từ xà nhà tới cửa sổ. Bỗng dưng hắn nằm xuống, lăn vào dưới gầm bàn rộng lớn.
Tim đập thình thịch. Dưới gầm bàn có một ngọn phi đao găm chặt hai tờ giấy còn chưa cháy hết. Hắn cẩn thẩn gỡ ra, ngắm một lúc rồi cho vào trong ngực.
- Hôm qua Vĩnh Dạ còn đi đâu? Gặp những ai? – Giọng Phong Dương Hề lạnh lẽo, ánh mắt đã khôi phục lại vẻ sắc bén như chim ưng.
An Bá Bình rụt rè đáp:
- Theo như thoả thuận trước đó, nàng lấy cớ là vẽ tượng Phật của Triệu Tử Cố để vào đây. Tại hạ đưa Công chúa tới Phật đường xem tượng, mẫu thân quanh năm lễ Phật, Vĩnh Dạ cũng đã gặp người.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian